Thị trường việc làm Mỹ đang chứng kiến một nghịch lý: tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp kỷ lục 4% trong suốt 30 tháng, song không phải ai muốn có việc làm. Thậm chí, nhiều người đã hoàn toàn từ bỏ việc gia nhập thị trường lao động.
Nhóm người này được gọi là “NEET” – viết tắt của cụm từ “không có việc làm, không học hành, không đào tạo”. Theo chuyên gia kinh tế Alí Bustamante, Giám đốc Chương trình An ninh Kinh tế và Năng lực Người lao động tại Viện Roosevelt (New York), nguyên nhân chính đến từ cảm giác chán nản của bản thân.
Bên cạnh đó, một bộ phận khác, được Korn Ferry – công ty tư vấn tổ chức toàn cầu – gọi là “thế hệ thất nghiệp mới”, lại đang phải vật lộn tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Họ chủ yếu là những người trẻ, sở hữu trình độ chuyên môn cao.
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người từ 16 đến 24 tuổi tại Mỹ đã tăng lên 9% vào tháng 5. Chuyên gia Bustamante cho biết con số này là “bình thường” và “phản ánh thực tế thị trường lao động”. Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ đã giảm xuống dưới 7% vào năm 2023.
Thế hệ ‘Thất nghiệp mới’: Khi bằng cấp không phải tấm vé vàng cho thị trường việc làm- Ảnh 1.
Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ Mỹ hiện tại không có việc làm, cũng không tham gia vào bất kỳ chương trình học tập hay nâng cao kỹ năng nào. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, khoảng 11,2% thanh niên từ 15 đến 24 tuổi ở Mỹ được xếp vào nhóm NEET trong năm 2023. Nói cách khác, cứ 10 người trẻ thì có 1 người “bị bỏ lại phía sau theo nhiều cách”, chuyên gia Bustamante nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Julia Pollak (ZipRecruiter), nam giới trẻ là đối tượng có xu hướng rời bỏ thị trường lao động nhiều nhất. “Xu hướng NEET chủ yếu là một hiện tượng ở nam giới”. Bà giải thích thêm rằng nguyên nhân một phần là do cơ hội việc làm trong các ngành nghề truyền thống dành cho nam giới như xây dựng và sản xuất đang ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, “tỷ lệ nữ giới theo học có xu hướng tăng lên”.
Bên cạnh đó, báo cáo của Korn Ferry cũng chỉ ra một “cơn bão hoàn hảo” đã và đang hình thành, tạo ra một thị trường dư thừa “thế hệ thất nghiệp mới”. “Doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân nhân tài hiện có và ngày càng tập trung vào việc phát triển nội bộ”, ông David Ellis – Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chuyển đổi tuyển dụng nhân tài toàn cầu tại Korn Ferry – cho biết.
Chính việc “tích trữ nhân tài” này đã dẫn đến tình trạng ngày càng ít vị trí tuyển dụng, ngay cả với những ứng viên xuất sắc. Đồng thời, các công ty cũng đang cắt giảm tuyển dụng mới, hạn chế cơ hội việc làm đầu vào.
Mặc dù tỷ lệ việc làm ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, nhưng nhóm thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 24 lại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, chuyên gia Pollak cho biết. “Nhóm người từ 20 đến 24 tuổi chứng kiến sự sụt giảm mạnh về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch, và kể từ đó đến nay, họ vẫn luôn tụt hậu”.
Nhìn chung, dự báo tuyển dụng cho sinh viên tốt nghiệp năm 2024 đã giảm 5,8% so với năm ngoái, theo báo cáo từ Hiệp hội Các trường Cao đẳng và Nhà tuyển dụng Quốc gia (NACE).
Korn Ferry cũng phát hiện ra rằng, khi ngày càng có nhiều ứng viên cạnh tranh cho ít vị trí tuyển dụng hơn, thời gian thất nghiệp cũng kéo dài hơn. Hiện tại, số người thất nghiệp trên 6 tháng đã tăng 21%.
Tuy nhiên, ông Ellis khẳng định “vẫn chưa phải là hết hy vọng” đối với những người đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Ông đưa ra một số lời khuyên hữu ích, chẳng hạn như chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng cũ, đồng nghiệp cũ thông qua LinkedIn hoặc email để sắp xếp các cuộc phỏng vấn tìm kiếm cơ hội. Các ứng viên cũng không nên giới hạn bản thân trong những vị trí đòi hỏi bằng cấp hoặc mức lương cao mà thay vào đó, nhắm đến một “sự nghiệp đa dạng”, có tiềm năng hơn.