Sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước cùng nhiều yếu tố thuận lợi khác sẽ thúc đẩy ngành game của Việt Nam phát triển
Cuối tháng 4-2024, nhiều “game thủ” bất ngờ khi Gameloop – phần mềm giả lập Android miễn phí, đồng thời là kho game quốc tế với hàng trăm thể loại game – bị chặn ở Việt Nam. Phần mềm này cho phép người dùng chơi các trò chơi phiên bản di động trên máy tính cá nhân.
Thay đổi định kiến, khởi động bảo hộ
Mới đây, trên các trang mạng xã hội, dân chơi game tiếp tục xôn xao khi không thể truy cập nền tảng cung cấp trò chơi trực tuyến nổi tiếng trên thế giới Steam của Valve Corporation (Mỹ).
Trong khi đó, người dùng Netflix tại Việt Nam cũng phản ánh mục trò chơi dành cho tài khoản đăng ký sử dụng trên điện thoại di động đã biến mất. Còn nếu truy cập vào Netflix bằng máy tính, đường link trò chơi hiển thị thông báo: “Game Netflix chưa có ở Việt Nam”. Động thái này diễn ra sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) gửi văn bản yêu cầu Netflix dừng quảng cáo, phát hành trò chơi điện tử trên App Store, Google Play Store và kho ứng dụng của nền tảng do chưa được cấp phép hoạt động.
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, 3 kho game quốc tế nổi tiếng đã không còn được hoạt động tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng điều này tạo công bằng cho doanh nghiệp (DN) game trong nước, chặn thất thu thuế liên quan các nền tảng xuyên biên giới.
Mới đây, tại Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam GameVerse 2024) do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng Báo VnExpress và một số đơn vị phối hợp tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, kỳ vọng đến năm 2030, ngành công nghiệp game Việt Nam đạt quy mô 1 tỉ USD. Để đạt kết quả đó, năm 2023, Bộ TT-TT đã cùng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đào tạo ngành game cấp đại học, cùng Tổng Công ty VTC đào tạo nghề. Bên cạnh đó là xây dựng nền tảng về chính sách thuế cho ngành này.
“Trước đây, quan điểm của Chính phủ là cần hạn chế ngành game nên đưa lĩnh vực này vào danh sách chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời điểm này, cần thay đổi định kiến bởi ngành này có thể tạo ra thu nhập, mang về ngoại tệ” – ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh và cho biết cơ quan quản lý cũng có giải pháp hạn chế mặt trái của game.
Tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030” do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23-5, ông Đinh Bá Thành, Chủ tịch HĐQT DatViet VAC Group Holdings, nhìn nhận việc Bộ TT-TT yêu cầu gỡ, chặn đường truyền, ứng dụng của các công ty phân phối game hàng đầu thế giới là “bước chuyển” tạo điều kiện cho DN Việt.
Ông Nguyễn Minh Quang, CEO của DOS Labs – một DN phát triển game, đánh giá việc cơ quan quản lý ngăn chặn các kho game quốc tế chưa được cấp phép hoạt động có thể xem là hình thức bảo hộ ngành game trong nước.
Góp ý thêm, ông Quang cho rằng cần xây dựng chính sách theo hướng cải cách nhiều hơn nữa về thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho DN. Hiện nay, DN khi phát hành game mất khoảng 1,5 tháng để xin giấy phép, chưa kể phải đáp ứng nhiều quy định về báo cáo, thanh – kiểm tra. Trong khi đó, hầu hết game quốc tế không xin giấy phép cũng như không thực hiện các quy định của Việt Nam, chỉ số ít dự án game lớn như Clash of Clans mới kết hợp với nhà phát hành game trong nước để hoạt động và đáp ứng quy định. “Việc hậu kiểm đối với những game đang có mặt tại thị trường Việt nếu phát hiện có vấn đề là công bằng cho cả game trong nước và nước ngoài” – ông Quang nhìn nhận.
Chú trọng chất lượng game
Theo ông Nguyễn Minh Quang, người dùng vẫn có những cách vượt tường lửa để truy cập vào các phần mềm, ứng dụng để chơi game. Bên cạnh đó, số lượng trò chơi điện tử không phép phát hành trên Google Play hay App Store không nhiều nên việc chặn game lậu có thể chưa tạo ra tác động đáng kể.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Trang, CEO của Gamota – nhà phát hành game di động tại Việt Nam, cũng không kỳ vọng việc chặn kho game quốc tế sẽ tác động lớn đến ngành game trong nước. Theo bà Trang, ngành game Việt chưa phát triển nhanh do chưa có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, phần lớn là tự học. Do đó, Việt Nam tạo ra rất nhiều hyper-casual game (game có được xây dựng với nội dung tối giản – PV), tính cạnh tranh với game quốc tế không cao.
Dẫn chứng Việt Nam từng tạo ra game Hiker nổi tiếng – một trong những anh cả của làng làm game trong nước, bà Trang cho rằng DN cần tạo ra sản phẩm game chất lượng cao thì ngành này mới có thể đi xa và bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, CEO Hiker Games, cho rằng ngành game muốn phát triển thì phải thu hút sự đầu tư từ nhiều nguồn, phải có sự ủng hộ từ người dùng và chính sách từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, DN game hiện nay vẫn còn dè dặt bởi chi phí đầu tư lớn trong khi còn nhiều rào cản chính sách. Dù vậy, CEO của công ty game này thừa nhận các quy định đối với ngành game đã dần thông thoáng hơn trước rất nhiều.
Theo bà Vũ Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Phát triển game Việt Nam, nước ta là thị trường có tốc độ nạp tiền vào game đứng tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á. Việc cơ quan chức năng bắt đầu quan tâm xây dựng khung pháp lý cho ngành game sẽ là cơ hội cho game Việt. Về phía DN, đa phần đã nhận thấy tầm quan trọng về chất lượng sản phẩm, ủng hộ chương trình đào tạo ngành game và có chiến lược phát hành game ra toàn cầu.