Ông Phạm Văn Tam từng sở hữu được khối tài sản khổng lồ với thương hiệu hàng điện tử Asanzo đứng top 4 thị phần tivi tại Việt Nam.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (44 tuổi, shark Tam – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Asanzo) về tội “Trốn thuế”, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự.
Ông Tam bị cáo buộc đã chỉ đạo ông Phạm Xuân Tình – Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật Công ty Asanzo – ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt Tài, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Trần Thoàn, sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo của Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Ngoài ra, ông Tam còn bị cáo buộc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp gần 15,8 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh, là nhà sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo. Theo chia sẻ, ông Tam chưa từng bước chân vào trường đại học hay cao đẳng nào. Ông Phạm Văn Tam từng sở hữu được khối tài sản khổng lồ với thương hiệu hàng điện tử Asanzo đứng top 4 thị phần tivi tại Việt Nam. Đặc điểm của tivi Asanzo là có giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn 30-40% với nhiều mẫu cùng loại trên thị trường và tivi Asanzo chủ yếu bán tại thị trường nông thôn, chiếm phần lớn doanh thu của doanh nghiệp.
Theo VOV, ông Phạm Văn Tam từng chia sẻ tại toạ đàm trao đổi với chủ đề Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo: “Những chiếc tivi đầu tiên của Asanzo ra đời dựa trên ý tưởng từ những lần tôi cung cấp hàng điện tử cho các vùng miền Tây. Ở đây họ thiếu điện, chúng tôi phải tạo ra những chiếc tivi sử dụng ắc quy để phục vụ họ. Tôi luôn tâm niệm Asanzo được thành lập để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên chứ không phải dành cho người tiêu dùng hiện đại.”
Theo đó, tháng 6/2019, Asanzo vướng vào nghi vấn “hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam”. Ông Phạm Văn Tam khi đó lên tiếng rằng sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam”, mà có những linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó sản phẩm đã dán nhãn “xuất xứ tại Việt Nam”. Tuy nhiên, điều này vẫn không khiến doanh nghiệp tránh khỏi sự quay lưng của nhiều đối tác. Về sau, khi cơ quan chức năng đưa ra các thông báo rằng hoạt động của Asanzo là “phù hợp quy định”, không lừa dối khách hàng, thương hiệu điện tử này dần dần quay trở lại các siêu thị điện máy.
Xuất hiện trên Talkshow The Next Power phát sóng trên VnExpress, ông Phạm Văn Tam từng chia sẻ sau hai cuộc khủng hoảng liên tiếp: cuộc chiến với truyền thông về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm năm 2019 và sau đó là đại dịch Covid-19 khiến thị trường đóng băng. Ông Tam tin rằng dù mất cả nghìn tỷ nhưng miễn doanh nghiệp còn tồn tại thì sẽ còn làm ăn, còn phát triển được. “Nhưng con người mà mất lòng là rất đau đớn. Đối với tôi, người dùng mà quay lưng với tôi thì đó mới là cái ác nhất, là án tử, chứ không phải là tiền”, vị chủ tịch nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tam – Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo
Cuối năm 2021, Asanzo công bố đầu tư 2.000 tỷ đồng nuôi bò và làm phân bón hữu cơ. Nhà sáng lập Asanzo cho rằng đây là chiến lược hiện thực hóa mục tiêu hình thành hệ sinh thái chia sẻ tuần hoàn của Asanzo, mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân và từ đó họ sử dụng các sản phẩm khác của doanh nghiệp.
Không chỉ mang lại giá trị cho người nông dân, Asanzo coi việc phát triển cùng người nông dân là mục tiêu lớn. “Doanh nghiệp nào cũng muốn giữ khoảng trống để kiếm lợi nhuận, không muốn chia sẻ với người dân. Khi chúng ta nghĩ đến chia sẻ thì mới làm chung được với nhau” – ông Tam nói.
Ông Tam cho biết, tập đoàn chấp nhận mất nhiều năm để xây dựng niềm tin cũng như thay đổi thói quen cố hữu trong nông nghiệp, trong đó có việc thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ thay phân bón hóa học. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đầu tư, đánh đổi trước để tiên phong ứng dụng những phương pháp, mô hình mới cho bà con làm theo.
“Tôi luôn luôn nghĩ mình là nhà vận hành để hiểu nghề hơn. Tôi không muốn là nhà đầu tư ngồi đó nhìn. Bản thân tôi muốn trở thành một doanh nhân bình dị và tạo ra giá trị xã hội, biết thay đổi cách làm ăn, chứ không thể sống mãi với một sản phẩm.”, ông Tam khẳng định.
Tuy nhiên, sau thông tin này, nhiều tờ báo lại nhận được phản hồi từ đơn vị sản xuất rằng, ông Tam chỉ mua phân bón chứ không tham gia đầu tư, sản xuất như ông này đã tuyên bố.
Cụ thể, theo thông tin trên Báo Giao thông cũng như tạp chí Nhà Đầu Tư, hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An thuộc sở hữu của Công ty CP giống và thức ăn T&T 159 Hòa Bình; Công ty CP Giống và Vật tư nông nghiệp Thái Hòa; Công ty CP Chăn nuôi T&T 159 Lạc Sơn. Cả 3 đơn vị này đều thuộc T&T 159 Group.
Nguồn tin trên Báo Giao thông khẳng định ông Tam không rót vốn vào bất cứ trang trại nào. Thay vào đó, ông Tam ký hợp đồng mua phân bón từ Công ty CP T&T 159- pháp nhân lõi trong hệ sinh thái T&T 159 Group. Sau đó, ông Tam sẽ phân phối, bao tiêu với sản lượng 25.000 tấn/năm và lấy tên mới là “Ba Con Bò” mà hoàn toàn không có điều khoản hợp tác bằng hình thức góp vốn.
Trả lời báo Nhà Đầu Tư, ông Đỗ Thế Thắng – Tổng giám đốc T&T 159 khi đó cũng khẳng định: “Thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác. Bên đó chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do chúng tôi sản xuất thôi”.
Ông Tam từng tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, tuy nhiên, cũng vì biến cố năm 2019, ông Tam đã rời ghế “cá mập” giữa chừng. Các phần ghi hình ông Tam trong vai trò Shark khách mời cũng bị cắt bỏ hoàn toàn.
Dù không tham gia hết mùa 3, nhưng trong chương trình, ông Tam đã để lại câu nói ấn tượng “Đừng có gồng mình để trở thành những người nổi tiếng như Jack Ma, Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bởi đó thực sự là những thiên tài đích thực trong lĩnh vực của họ. Thay vào đó, hãy tỏ ra thực tế hơn và phát huy năng lực của bản thân, kết hợp với các thế mạnh của địa phương nhằm giải quyết các vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần đến”.
Đừng có gồng mình để trở thành những người nổi tiếng như Jack Ma, Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bởi đó thực sự là những thiên tài đích thực trong lĩnh vực của họ. Thay vào đó, hãy tỏ ra thực tế hơn và phát huy năng lực của bản thân, kết hợp với các thế mạnh của địa phương nhằm giải quyết các vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần đến.
Ông Phạm Văn Tam – Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo
Xuất hiện tại sự kiện công bố đối tác chiến lược của Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông Phạm Văn Tam chia sẻ: Phải đến năm 32 tuổi, ông mới bắt đầu có thành tựu. Và ông mong muốn rằng những lần vấp ngã, lạc lối, thất bại vì quá tin người của ông có thể giúp các bạn startup tránh được một số “vết xe đổ”.