Chiều ngày 11/11, Tọa đàm về giải pháp nội thất thông minh cho ngành gỗ và nội thất. Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm SFS Vietnam 2024 sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Dương từ 27/11 đến 30/11 năm nay.
Trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp 5.0 hiện nay, việc áp dụng công nghệ mới trong quy trình sản xuất chính là một giải pháp mang tính cấp thiết và hữu hiệu nhất để có thể giúp doanh nghiệp ngành gỗ giải quyết những thách thức và khó khăn còn tồn đọng. Do đó, Triển lãm quốc tế về Giải pháp Nội thất thông minh (tên tiếng Anh: SMART FURNITURE SOLUTIONS VIETNAM 2024, gọi tắt là: SFS VIETNAM 2024) đã được ra đời với sứ mệnh xúc tiến thương mại cũng như góp phần vào công cuộc phát triển ngành gỗ Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Ông Nguyễn Trường Thi, PGĐ Sở công thương tỉnh Bình Dương tại buổi tọa đàm.
Kế thừa những thành công rực rỡ từ 4 mùa trước, SFS VIETNAM 2024 khi quay trở lại với lần tổ chức thứ 5, đã gặt hái nhiều thành tựu và đạt được những cột mốc ấn tượng. Trong kỳ họp báo thứ hai lần này, Ban Tổ Chức chúng tôi mong muốn được lan tỏa những kết quả ấn tượng ấy với công chúng và báo chí toàn quốc thông qua 5 nội dung chính sau đây: Tình hình thị trường ngành gỗ hiện nay; Vì sao triển lãm năm nay quay trở lại tổ chức tại tỉnh nhà Bình Dương & chọn WTC EXPO làm nơi tổ chức? ; Những kết quả đạt được tại SFS VIETNAM 2024 ; Tổng quan về chiến lược truyền thông trước thềm khai mạc; Tổ chức Hội thảo “NỘI THẤT THÔNG MINH – Ứng dụng quy trình thông minh sử dụng phần mềm ALPHACAM (ứng dụng cho các dòng thiết bị CNC 2D, 3D) và CABINET VISION (ứng dụng nhà máy sản xuất)”.
Ông William Pang, giám đốc CT Pablo Publishing & Exhibition PTE LTD. chia sẻ về giải pháp nội thất thông minh tại SFS Vietnam 2024
“Ngành gỗ và nội thất của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, với Bình Dương là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến gỗ lớn của cả nước, chúng tôi tự hào là nơi có nhiều doanh nghiệp gỗ hàng đầu, luôn dẫn đầu trong việc đổi mới công nghệ và sáng tạo trong thiết kế, sản xuất. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế kim ngạch biến gỗ của tỉnh ước đạt 5.404,7 triệu USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19% xuất khẩu cả tỉnh. Thị trưởng mở xuất khẩu chủ yếu là Mỹ Loa Mỹ; EU; Nhật Bản; Canada; Hàn Quốc; Úc… Với vai trò là đơn vị đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp này, Sở Công Thương Bình Dương vô cùng tự hào khi được hỗ trợ và tham dự sự kiện lần này. Bình Dương cam kết sẽ tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong ngành gỗ, nội thất, tạo dựng môi trường phát triển bền vững và sáng tạo.” – Ông Nguyễn Trường Thi, PGĐ Sở công thương tỉnh Bình Dương cho biết.
TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG NGÀNH GỖ HIỆN NAY
Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến tháng 10/2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 tháng qua ước đạt 648,84 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 335,92 tỷ USD, tăng 15%, và nhập khẩu đạt 312,92 tỷ USD, tăng 17,1%.
Trong tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với tháng 9 và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2023, với xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,05 tỷ USD, tăng 22,7%.
Theo số liệu sơ bộ, nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong tháng 10/2024 ước đạt 250 triệu USD, tăng 6,6% so với tháng 9 và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 2,28 tỷ USD, tăng 27,7%. Về nhập khẩu gỗ nguyên liệu, Việt Nam ước nhập 321,5 nghìn m3, trị giá 126,7 triệu USD, tăng lần lượt 21,9% và 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 129 triệu USD trong tháng 10/2024, tăng 20,2% so với tháng trước và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,16 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU vẫn là động lực chính cho ngành này. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ đạt 900,6 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ, chiếm 87,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội thất nhà bếp.
Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ… Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Minh Tuấn