(NLĐO)- Đến năm 2030, hơn 40% lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi AI (trí tuệ nhân tạo). 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI. Nhiều người có thể rơi vào tầng lớp mới gọi là “tầng lớp vô dụng”
Chia sẻ tại tọa đàm “Xu hướng lao động tương lai – Cơ hội cho ai?” vừa được Viện Quản trị & Công nghệ FSB, ĐH FPT, tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học FPT, cho hay khi chứng kiến Open AI công bố bản ChatGPT 4.0 Omni, ông đã có nhiều suy nghĩ khác trước.
“Tôi đã từng cười cợt về sự ngớ ngẩn của Chat CPT, sau đó chuyển sang giai đoạn cho rằng “nó cũng kinh đấy”, và đến khi đọc bản Omni thì tôi thực sự lo ngại cho công việc của mình. Sau khi Omni và Google IO ra đời, người ta mới chợt nhận ra rằng tỉ lệ công việc bị AI “đánh cướp” tăng vọt chỉ trong đúng 1 tuần, bởi vì tốc độ phát triển nhanh quá” – ông Tiến nói.
“Hiện Chat GPT 4.0 có lượng dữ liệu khoảng ngàn tỉ parameter (đơn vị đo thông tin). Những người xuất sắc trong căn phòng này thì lượng dữ liệu các bạn có được cũng chỉ khoảng 20 – 40 triệu parameter. Về kiến thức, các hệ thống ChatGPT hoặc Google IO bây giờ đã vượt xa con người. Người xuất sắc nhất thế giới thì về kiến thức may ra mới có thể hơn được ChatGPT”- Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng dẫn thêm một số số liệu đáng quan ngại, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới hồi tháng 1-2024, tới năm 2030, hơn 40% lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Một thống kê khác cho hay trong 5 năm tới, 2,7 triệu công nhân Việt Nam sẽ mất việc bởi robot.
“Những con robot đắt tiền ngày xưa giờ chỉ còn 30.000 – 40.000 USD, làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm, không đòi tháng lương 13 hay nghỉ phép, không biểu tình, không bật lại “sếp”, giá 1 giờ lao động của robot khoảng 2,5 – 5 USD/giờ. Nguy cơ cao các công nhân của chúng ta khi còn rất trẻ đã mất việc. Tôi thực sự lo ngại” – ông Tiến bày tỏ.
“Với những người được học hành bài bản, thậm chí thuộc tầng lớp tri thức cũng không thể quá tự tin. Ngay cả các bạn ngồi đây cũng có thể rơi vào tầng lớp mới gọi là “tầng lớp vô dụng”- ông Tiến lưu ý.
TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban Đào tạo tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB, nhận định câu chuyện phát triển nghề nghiệp trong xu hướng công nghệ ngày nay có nhiều khác biệt so với trước. Các doanh nghiệp đòi hỏi cao về năng lực số.
“Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã xây Khung năng lực số. Bộ GD-ĐT đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Thông tư về Khung năng lực số để dành cho đào tạo học sinh, sinh viên. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chuẩn bị ban hành Khung năng lực số. Nhưng các doanh nghiệp không chờ những văn bản đấy. Từng cá nhân không chờ các văn bản đấy. Tự chúng ta phải xác định những việc cần làm để chuẩn bị trước. Nếu không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng thì sẽ thất bại”- TS Huy chia sẻ.