Đông Nam Á chính là điểm đến hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong 3 năm tới. Đây là nội dung nổi bật trong “Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024” của ngân hàng UOB của Singapore.
UOB “bất ngờ” với kết quả tăng trưởng kinh tế Quý 2/2024 của Việt Nam
Nghiên cứu đã khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp quy mô lớn, vừa và nhỏ tại 7 thị trường trọng điểm (gồm 525 doanh nghiệp tại Việt Nam), UOB cho biết tại buổi công bố báo cáo diễn ra hôm nay (16/7) tại TP.HCM.
Bảy thị trường thực hiện khảo sát là Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc). Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam trong khảo sát bày tỏ quan tâm đến mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với ASEAN là thị trường hàng đầu được nhắm đến để mở rộng kinh doanh trong ba năm tới (năm 2026).
Khảo sát cũng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới vẫn tồn tại và nhu cầu toàn cầu có phần chững lại.
Vì sao chọn ASEAN để mở rộng?
Trong tình hình trên, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn duy trì sự ổn định. Ông Victor Ngô, CEO của Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Ngoài ra, các nền kinh tế ASEAN vẫn duy trì khả năng phục hồi”.
Ông nói: “UOB nhận định rằng ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng với nền tảng vững chắc, bao gồm tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, lực lượng lao động trẻ và năng động, khả năng kết nối ngày càng tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào mạnh mẽ”.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất ngờ quan tâm đến mở rộng ra nước ngoài
Cảng Gemalink (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là cửa ngõ quan trọng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới trong bối cảnh Việt Nam là trung tâm sản xuất mới của thế giới. Nguồn: Gemalink.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một điểm sáng với triển vọng tích cực vào năm 2024. Vì vậy, dự báo tăng trưởng của UOB cho Việt Nam trong năm nay là 6,0%, phù hợp với mục tiêu 6-6,5% của Chính phủ, theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế thị trường, UOB.
Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết, động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với tỷ lệ hơn 9 trong 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.
Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do một số rào cản chính như: Thiếu khách hàng tại thị trường mới (41%); thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định và thuế (39%); khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%).
Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam mong đợi hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%).
Ngoài ra, UOB cho biết hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Với những hiểu biết sâu rộng về thị trường và chuyên môn vững chắc trong từng lĩnh vực, cùng với mạng lưới sâu rộng trong khu vực và hệ sinh thái đối tác rộng lớn, UOB có khả năng giúp các doanh nghiệp định hướng trong bối cảnh phức tạp của thị trường và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng ở khu vực ASEAN và hơn thế nữa”.
Nghiên cứu mới của UOB cũng cho thấy gần tỷ lệ 9 trong 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực.
Ngoài ra, hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024, với hầu hết ngân sách đều tăng từ 10-25%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một số thách thức như vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên, và rủi ro về xâm phạm dữ liệu…
Các doanh nghiệp cho biết họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế và hoàn thuế, giúp kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ phù hợp, có các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa.
Minh Tuấn