Là bộ phim Việt, của đạo diễn Việt, diễn viên ê kíp Việt, câu chuyện thấm đẫm hơi thở xã hội Việt Nam thời nay, Giải Cứu Anh “Thầy” bộ phim chào sân của “hiện tượng nhạc kịch” Nguyễn Phi Phi Anh sẽ chính thức chiếu rạp trên toàn quốc từ ngày 15/11.
Đồng thời bộ phim Giải cứu anh “thầy” cũng đang được chọn giới thiệu trình chiếu trong Chương trình Phim Việt Nam đương đại của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII tối ngày 10/11.
Điều đáng nói là trước thời điểm công chiếu chính thức với tên gọi Giải cứu anh “Thầy” thì bộ phim này đã gây chú ý với màn “chào sân” với hình thức trải nghiệm “blind movie” mang tên Bộ Phim Bí Ẩn. Cụ thể là từ phía đơn vị phát hành BHD và nhà sản xuất bộ phim đã giới thiệu suất chiếu đặc biệt vào giờ vàng Bộ Phim Bí Ẩn chỉ duy nhất trong ba ngày 8,9,10/11/2024 trên cụm rạp toàn quốc. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam trải nghiệm “blind movie” được giới thiệu, khán giả sẽ lựa chọn khám phá bộ phim khi mọi thông tin như đạo diễn, diễn viên, tên và nội dung phim được giấu kín cho tới khi vào rạp thưởng thức, mục đích mang lại trải nghiệm mới mẻ, chưa từng có cho khán giả.
Trở lại với bộ phim Giải Cứu Anh “Thầy” sẽ chính thức công chiếu từ ngày 15 trên các cụm rạp toàn quốc, nhà phát hành BHD cũng bật mí: “Phim kể về nhân vật chính là ‘bậc thầy phong cách sống’ Minh Thấu. Sau một ngày ghi hình đầy bất ổn cùng các khoản nợ chồng chất, giang hồ bám đuôi, Minh Thấu quyết định từ biệt fan rồi… bỏ trốn. Trong mớ hỗn độn mà Minh Thấu để lại, xuất hiện một nhân viên từ tổ chức ‘Luôn vui cười’ tại ngã ba thời gian và câu chuyện diễn ra trong bốn cung đường giả lập. Giải cứu anh “thầy” là một phim không giống với các phim khác của thị trường điện ảnh Việt Nam. Nó vừa có chất hài đen, vừa có yếu tố hành trình, tình gia đình, gợi suy ngẫm lại vừa châm biếm thâm thuý nhưng hài hước về những xu hướng trend của xã hội…”
Nói về quyết định rẽ hướng từ nhạc kịch, phim hoạt hình và bước vào niềm đam mê điện ảnh với bộ phim đầu tay, Nguyễn Phi Phi Anh chia sẻ: “Tôi còn nhớ, cách đây 12 năm, khi còn là sinh viên, tôi có ước muốn làm một vở nhạc kịch ở Hà Nội. Những lời khuyên tôi nhận được khi đó là: đừng làm, vì thành công là không thể. May mắn thế nào, lại có hàng chục bạn trẻ khác mà tôi vẫn hay gọi là “đồng bọn” tự nhiên xuất hiện và cùng tôi theo đuổi ước mơ. Chúng tôi không khao khát gì hơn là được nghe thấy thật nhiều tiếng cười, tiếng vỗ tay của khán giả, được mang lại cho họ những trải nghiệm rực rỡ cảm xúc – và hoá ra, đó là một mộng ước không hề xa vời.
Đến bây giờ, khi muốn làm một bộ phim điện ảnh, tôi vẫn nhận được lời khuyên: đừng làm. Vì rất khó để khán giả của ngày nay còn cảm thấy ấn tượng với những gì nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Ý tưởng có hấp dẫn tới đâu, giàu ý nghĩa cỡ nào, thì chắc hẳn cũng đã có người khác làm và làm tốt hơn rồi. Và quả thực, trong suốt cả quá trình làm phim, ngày nào chúng tôi cũng ngậm ngùi thừa nhận: nỗ lực tốt nhất ngày hôm nay của mình có lẽ trông vẫn thật “thô sơ” – so với chuẩn mực đã được những người giỏi hơn và có nguồn lực tốt hơn định hình. Thậm chí, có ý kiến cho rằng tôi nên mang câu chuyện này lên sân khấu, nơi mà đòi hỏi của khán giả sẽ dễ thỏa mãn hơn nhiều.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn bấm máy, đơn giản vì đây là câu chuyện mà tôi thấy cần phải kể và phải kể bằng điện ảnh. Câu chuyện này không phải một tiểu phẩm. Bản thân tôi cũng cần làm – để còn giỏi lên, vì còn nhiều câu chuyện khác nữa tôi muốn kể bằng ngôn ngữ và công cụ của điện ảnh. Một mặt, tôi vẫn luôn luôn muốn làm khán giả vui, thích thú. Mặt khác, điện ảnh phải tái hiện được đời sống, với sứ mệnh sau cùng là để con người chúng ta trở nên thông cảm cho nhau hơn. Mà nếu vậy, sẽ không nên và không thể quá dễ dàng, cho cả người làm và người xem.”