Khi nói về doanh nhân dân tộc, giới kinh doanh thường nhắc đến ông Kao Siêu Lực – một người Việt gốc Hoa đến Việt Nam từ Campuchia. Kao Siêu Lực đã trở thành một doanh nhân bản địa có vị thế trong giới kinh doanh bởi vì lòng chính trực, sự kiên cường trước mọi sóng gió thương trường. Để rồi đến một ngày, ông mang thương hiệu ABC Bakery ra thị trường thế giới. Lúc này, thế hệ thứ hai doanh nhân Kao Huy Phương đã cùng ông giữ bản sắc thương hiệu mà ông đã gầy dựng trong nhiều năm.
LTS: Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành năm 2023 không chỉ đề cao việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới mà còn nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân.
Nhiều doanh nhân thế hệ F1 đã và đang thực hiện việc chuyển giao kế thừa cho thế hệ F2. Cuộc đối thoại giữa hai thế hệ F1 và F2 trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 cho thấy, các doanh nhân gia đình đã nhận thức được vai trò, sứ mệnh của mình trong việc kế thừa sản nghiệp gia đình và xây dựng thương hiệu quốc gia.
Kao Siêu Lực mở lò bánh mì trong ngõ hẻm khi kinh tế cả nước còn khó khăn, con gái Kao Huy Phương cũng ra đời vào thời điểm đó. Ba mẹ vừa làm bánh, vừa trông con. Kao Huy Phương chập chững tập đi bên lò bánh trong không gian chỉ vài mét vuông. Để có đủ tiền lo cho chuyện học hành của Kao Huy Phương cũng khiến gia đình ông thiếu trước hụt sau.
Kao Siêu Lực đã từng là một thiếu gia rất hiếu học ở Campuchia, nhưng đã bị chính quyền Pol Pot cướp đi tương lai. Không muốn con có ngày phải thiếu ăn thiếu mặc như mình khi xưa, ông quyết làm ăn. Dù khó khăn đến đâu ông cũng chấp nhận để con ăn học đầy đủ và gửi con sang Singapore để được tiếp thu kiến thức từ thế giới bên ngoài khi còn học phổ thông.
Có lần Kao Siêu Lực trò chuyện với người viết, rằng: “Tôi ví mình như cỗ máy xe lửa, trước khi về ga phải đón người đi rồi mới thả họ ở nơi cần đến. Chặng đường đã qua, ban đầu tôi làm việc để thoát kiếp cu ly. Khi có con cái, tôi làm việc để con có cuộc sống đầy đủ. Nhiệm vụ gia đình như thế đã hoàn thành, tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó cho xã hội”.
Khi Kao Huy Phương học xong đại học ở Singapore, ông Kao Siêu Lực đã nổi tiếng với thương hiệu ABC Bakery. Bánh ABC với khoảng 300 loại có mặt khắp đất nước và sang cả trời Tây. Dù ABC Bakery là thương hiệu khởi nghiệp lần thứ hai với số vốn ít ỏi nhưng thành công lần này đã giúp ông mang thương hiệu Việt ra thế giới. Năm 2009, ông nhận bằng khen của Thủ tướng vì đạt huy chương vàng trong các kỳ thi làm bánh mì và bánh kem quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc). Đó là cả một quá trình khẳng định thương hiệu ABC Bakery ở trong nước và với nhiều tập đoàn nước ngoài kinh doanh ở thị trường Việt Nam.
Đã là thương hiệu có tiếng, Kao Siêu Lực vẫn cần mẫn sáng sớm đến nhà máy làm việc đến đêm như ngày trước với lò bánh mì nhỏ. Khối lượng công việc ngày càng nhiều nên ông gọi con từ Singapore về phụ. Kao Huy Phương có một tương lai sáng lạn chờ sẵn ở Singapore nhưng chị vẫn trở lại Việt Nam vì người cha kính yêu.
“Lúc tôi còn nhỏ, ba thường nói với tôi rằng mai mốt ba sẽ báo hiếu cho Việt Nam. Ba đã trải qua những năm rất khó khăn ở Campuchia, Việt Nam đã rộng cửa đón ba. Dù những ngày đầu của ba ở Việt Nam cũng khó khăn như những người khác, nhưng đất nước này vẫn mang lại nhiều cơ hội thành công cho những người chăm chỉ làm giàu lương thiện. Từ trước đến nay, dù kinh doanh hay hoạt động xã hội, tôi đều thấy ba làm hết mình”, Kao Huy Phương chia sẻ.
Tình yêu của Kao Siêu Lực với Việt Nam và công việc đã khiến ông càng thêm gắn bó với với quê hương thứ hai. Kao Huy Phương về nước chăm lo mảng nghiên cứu và phát triển, giúp ông có nhiều thời gian để sáng tạo những loại bánh mới.
“Phương tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm ở Singapore và đã mang kiến thức hiện đại về áp dụng tại ABC Bakery. Những năm gần đây, công ty chúng tôi đã xuất khẩu nhiều hơn trước, khách hàng là các nhà nhập khẩu lớn. Chúng tôi đã sẵn sàng bằng vai phải lứa đàm phán với bất cứ công ty quốc tế nào tìm tới”, ông Kao Siêu Lực mừng vì những năm tháng xa nhà của con gái đã giúp chị trưởng thành.
Kao Siêu Lực đã cùng thế hệ thứ hai chăm lo cho cả chuỗi cung ứng, không còn gói gọn ở những nhà cung cấp mà cả những vùng trồng nông sản. Nhiều người chỉ biết đến “chiến dịch giải cứu thanh long đỏ” của Kao Siêu Lực chứ ít ai biết ABC Bakery đã “giải cứu” cho nông sản từ lâu. ABC Bakery đã rất thành công với các loại bánh làm từ nguyên liệu nước ngoài nhưng Kao Siêu Lực vẫn cùng con gái làm ra loại bánh mới dùng nguyên liệu trong nước để xuất khẩu.
Kao Huy Phương kể: “Ba tôi từng rất bức xúc vì ông đi nhiều nước, vẫn thấy sầu riêng Ri 6 của ta là ngon nhất. Nhiều loại trái cây trong nước cũng thơm ngon không kém trái cây nhiều nước khác. Nhưng trái cây các nước láng giềng vẫn xuất khẩu tốt, còn nông dân mình cứ phải kêu gọi “giải cứu” nông sản. Từ lâu ba đã muốn tìm được đầu ra cho nông dân, không chỉ giúp họ bán hàng trong nước mà còn xuất khẩu. Muốn vậy, phải làm cho nông sản Việt đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, ABC Bakery thường xuyên làm ra nhiều loại bánh có nguyên liệu trong nước để khách hàng nước ngoài thấy cách chế biến sâu với nông sản Việt Nam. Mỗi lần chấm thi giải bánh ở nước ngoài, ba tôi đều tranh thủ giới thiệu nông sản Việt. Trong nước thì ba đến lãnh sự quán các nước để giới thiệu nông sản Việt. Ba còn làm video làm bánh từ khoai môn, sầu riêng, chuối… để gửi bạn bè nước ngoài. Bạn hàng của ba muốn sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu, ba đều chia sẻ kinh nghiệm cặn kẽ”.
Với tâm niệm trả ơn Việt Nam, Kao Siêu Lực thể hiện trong kinh doanh. Ông không tăng giá bán, dù 40 năm qua kinh tế đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn trồi sụt. Dù từ nước khác đến Việt Nam, nhưng qua nhiều năm cống hiến ở đất nước này đã khiến suy nghĩ của ông là suy nghĩ của một doanh nhân Việt với sứ mệnh vừa làm giàu cho mình vừa phải đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội. Ông đóng góp cho nền kinh tế là đóng góp tài trí để thương hiệu Việt vươn xa hơn, giúp cho chuỗi cung ứng thêm nội lực để cạnh tranh với thế giới. Đóng góp cho xã hội là ông mang lại việc làm, giúp đỡ người khó khăn, hợp tác với nước ngoài để mở trường dạy làm bánh và xây nhà cho công nhân ở.
Điều này đã thay đổi suy nghĩ của một người có nền giáo dục ở Singapore là Kao Huy Phương. Ông Kao Siêu Lực đã truyền cảm hứng để chị đặt ra các tiêu chuẩn cho vùng trồng giúp bà con trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó mà họ bán được hàng cho các công ty xuất khẩu. Kao Huy Phương cùng các em đã về nước sau khi du học, bảo vệ ABC Bakery bằng cách lập ra phòng pháp chế để tham mưu cho ba trước các mánh khóe phức tạp của môi trường kinh doanh quốc tế. Ngược lại, chị và các em theo ba học hỏi về bản sắc doanh nhân Việt để cống hiến cho quê hương.