Việc phát triển công trình xanh không những không làm tăng chi phí mà ngược lại sẽ giúp các nhà phát triển bất động sản tối ưu chi phí đầu tư cũng như vận hành dự án, theo các chuyên gia.
Dù chuyên phát triển các dự án bất động sản hạng sang, nhưng khi được hỏi đến những khó khăn trong việc phát triển các dự án theo tiêu chuẩn xanh, ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc Filmore Development tỏ ra nhiều băn khoăn, nhất là làm thế nào để tối ưu hóa được chi phí.
Theo ông Andy, việc phát triển các sản phẩm mới đầu tiên là phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường. Bởi khi đưa ra một giải pháp nhưng lại không có nhu cầu thì rất khó để giải pháp đó thực sự có hiệu quả.
“Filmore tập trung phát triển và xây dựng dự án dành cho dân cư và việc phát triển các dự án theo tiêu chuẩn ESG là một ý tưởng tuyệt vời”, ông nói, đồng thời đánh giá, để có thể đưa ý tưởng này vào trong các dự án bất động sản thì chi phí là vấn đề mà ông phải cân nhắc.
Tổng giám đốc Filmore Development lo ngại khi khách hàng chỉ nghĩ đến việc giá cả rẻ hơn thế nào, và nếu họ không sẵn lòng trả thêm một khoản phí cho các công trình xanh thì doanh nghiệp sẽ khó thực hiện. Lúc ấy, doanh nghiệp phải xem xét đến vấn đề tồn tại.
“Khi chúng ta nói đến ESG thì ngay từ đầu chúng ta phải đưa ý tưởng này vào thiết kế, vậy thì khách hàng mua nhà sẽ nghĩ rằng họ là người mua cuối, nhưng lại phải trả chi phí cho các khâu đầu tiên thì chắc chắn họ sẽ không đồng ý”, ông nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng việc tập trung vào xây dựng chiến lược xanh – phát triển bền vững là hết sức quan trọng để chủ đầu tư ghi điểm với công chúng.
Bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình SBVN
Tại Tọa đàm “Giải pháp toàn diện cho khu công nghiệp và đô thị bền vững” diễn ra vào ngày 27/8, bà Lê Phương Anh, Giám đốc Chương trình thúc đẩy công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam (SBVN) cho rằng, định hướng Net Zero và lộ trình giảm phát thải CO2 đều là những mục tiêu mới không chỉ đối với Việt Nam mà với toàn thế giới.
Theo bà, Việt Nam cần được tiếp cận những phương pháp thiết kế, các phương thức tính toán, những công cụ mới để đạt được mục tiêu này, đặc biệt đối với ngành xây dựng công trình khi các toà nhà hiện chiếm đến 40% tổng tiêu thụ điện của toàn quốc gia.
Tuy vậy, các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án còn có nhiều nghi ngại, nhiều vấn đề lấn cấn khi tiếp xúc với các công cụ và nguyên lý mới.
Ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec, khẳng định phát triển công trình xanh không những không làm tăng chi phí mà ngược lại là giảm thiểu rất nhiều chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành.
Trong khoảng 15 – 20 năm về trước, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo kiểu vẫn sử dụng quy trình thiết kế truyền thống, rồi sau đó bổ sung thêm một số hạng mục xanh.
“Chuyện bổ sung đó gây tăng chi phí”, ông nói, đồng thời cho rằng trong 15 năm qua, Việt Nam chỉ có khoảng 300 công trình có chứng nhận xanh, quá ít so với quy mô thị trường.
Theo ông Vũ, ngay bây giờ chúng ta phải trở về lại cái căn bản nhất, đó là hoạch định công trình xanh ngay từ đầu, rồi mời các đơn vị tư vấn kỹ thuật vào. Tư vấn kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chi phí, bao gồm kết cấu, chiến lược để đảm bảo hiệu quả nhất về hiệu quả sử dụng năng lượng, về đầu tư các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà.
Theo ông Vũ, Edeec có các dịch vụ chủ chốt như Tư vấn chứng chỉ xanh LEED, Green Mark, HQE..; Thiết kế bản vẽ thi công HVAC/MEP; Nâng cấp hiệu quả năng lượng tòa nhà đang vận hành… Đây là cốt lõi của một công trình xanh nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có nhu cầu, thông thường sẽ nghĩ làm sao có phối cảnh đẹp, bản vẽ thi công, tờ giấy chứng chỉ…
Edeec đồng thời cũng cung cấp các dịch vụ thiết kế nhiệt, năng lượng tòa nhà hiệu năng cao; Tối ưu hoá chi phí đầu tư; Đồng thời thiết kế hệ thống HVAC hiệu suất cao; Tìm kịch bản vận hành tối ưu…
Tuy nhiên, thị trường hiện chưa tồn tại nhu cầu cần phải tính tối ưu các hạng mục này. Đây là việc cần làm trước khi triển khai bản vẽ thi công hay thu thập checklist chứng chỉ.
Kể lại trường hợp tối ưu chi phí của một tòa nhà văn phòng xanh, Giám đốc Edeec cho biết đơn vị thiết kế đưa ra 10 phương án nhưng đều không đạt và đến phương án cuối vẫn không đạt sẽ bị dừng hợp đồng. Do vậy, đơn vị thiết kế đó phải dùng đến tư vấn kỹ thuật năng lượng công trình.
“Phương án thứ 11 đưa ra sau đó được chấp nhận và thực hiện với định hướng tối đa hiệu quả kinh tế năng lượng”, ông nói, đồng thời cho biết việc sử dụng phương án cuối cùng giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 39 tỷ đồng và khoảng 10 tỷ đồng cho phụ trợ khác.
Đồng thời, điểm năng lượng LEED Gold cũng đạt trên 60 điểm, trong khi thiết kế ban đầu không có cơ hội giảm chi phí đầu tư và phải bù 15 điểm ở các hạng mục khác.
Ông Vũ nhấn mạnh rằng việc tối ưu hóa năng lượng không chỉ là một mục tiêu cần thiết trong bối cảnh phát triển bền vững, mà còn là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà sáng lập Sen Vàng Group cũng nhìn nhận để chủ đầu tư ghi điểm với công chúng, việc tập trung vào việc xây dựng chiến lược xanh – phát triển bền vững là hết sức quan trọng.
“Để đạt được sự bền vững trong kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tích hợp chiến lược xanh vào kế hoạch phát triển của mình. Điều này bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, và tối ưu hóa quản lý tài nguyên.
Minh Tuấn