New Energy Nexus Vietnam và Clickable Impact Consulting Group lần đầu công bố “Báo cáo Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Khí hậu tại Việt Nam 2024” với sự hỗ trợ của Chương trình SWISS Entrepreneurship Program Vietnam (gọi tắt là SWISS EP).
Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên đánh giá khả năng tiếp cận tài chính dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu tại Việt Nam và chỉ ra các nguồn tài trợ sẵn có dành cho các doanh nghiệp. Báo cáo này cũng xác lập danh mục các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu đã nhận được đầu tư và liệt kê những trở ngại mà họ phải đối mặt khi huy động vốn tăng trưởng.
Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Theo Ngân Hàng Thế Giới, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm tới năm 2050. Đối mặt với những thách thức này, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, cùng lúc tạo việc làm và giá trị kinh tế cho cộng đồng và các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.
“Báo cáo Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Khí hậu tại Việt Nam 2024”- “Vietnam Climate Tech Funding Ecosystem Report 2024” ghi nhận sự tăng trưởng đột phá của lĩnh vực công nghệ khí hậu tại Việt Nam do nhận được nguồn đầu tư và sự quan tâm trong những năm gần đây. Theo báo cáo, 49 công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu đã nhận được đầu tư với tổng giá trị 92,6 triệu USD từ năm 2015 đến năm 2023. Đầu tư trong lĩnh vực này tăng trưởng với tốc độ trung bình 365% hàng năm từ năm 2020 đến năm 2023.
Tuy nhiên, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khí hậu đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Lĩnh vực này chỉ chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam vào năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trên toàn thế giới là 10%.
Bà Thảo Trần, Giám đốc Quốc gia của New Energy Nexus tại Việt Nam, đơn vị khởi xướng dự án, cho biết: “New Energy Nexus cam kết thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng các công ty khởi nghiệp này không chỉ có khả năng giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững. Hy vọng rằng báo cáo này sẽ là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhiều khoản đầu tư và sáng kiến chính sách, tạo điều kiện cho thế hệ doanh nhân tiếp theo phát triển mạnh mẽ.”
“Báo cáo này được ra đời để trở thành kim chỉ nam cho các nhà đầu tư và các bên liên quan”, Ông Jason Lusk, Giám đốc Điều hành tại Clickable Impact, đồng tác giả của báo cáo, cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là làm rõ những cơ hội và thách thức, từ đó tạo cơ hội cho các khoản đầu tư và các hoạt động khác trong lĩnh vực này”.
Các số liệu chính từ “Báo cáo Đầu tư Khởi nghiệp Công nghệ Khí hậu tại Việt Nam 2024”
Hệ sinh thái công nghệ khí hậu từ năm 2015 đến 2023
49 công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam đã nhận được đầu tư. Tổng giá trị đầu tư cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam: 92,6 triệu USD. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm về đầu tư cho công nghệ khí hậu: 365% từ năm 2020 đến năm 2023. Công nghệ khí hậu chiếm 4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam vào năm 2023 (so với 10% trên toàn cầu).
Nguồn Đầu tư
Tài trợ không hoàn lại là một nguồn quan trọng với sự tham gia của các cơ quan phát triển, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, các cuộc thi đổi mới sáng tạo của các tập đoàn và các cuộc thi VC. Đầu tư từ VC dẫn dắt hệ sinh thái Giai đoạn ý tưởng: 28 công ty khởi nghiệp với tổng giá trị Đầu tư là 8,3 triệu USD (chiếm 8,9% tổng số tiền Đầu tư). Đầu tư hạt giống: đạt tổng cộng 25,1 triệu USD (chiếm 27,1% tổng số tiền Đầu tư). Đầu tư Series A: đạt 20,8 triệu USD (chiếm 22,4% tổng số tiền Đầu tư). 3 công ty khởi nghiệp nhận được Đầu tư bao gồm Eco Truck, Datbike và CricketOne. Đầu tư giai Series B (đầu tư giai đoạn sau) đạt 38,5 triệu USD (chiếm 41,6%), với các khoản Đầu tư cho Entobel và Logivan.
Phân phối nguồn vốn theo ngành
Nông nghiệp và Sản xuất lương thực: 44,7 triệu USD (48,4%); Phương tiện giao thông: 37,1 triệu USD (40%); theo sau là Kinh tế tuần hoàn (6%), Chuyển đổi năng lượng (3.6%), Hạ tầng xây dựng (1,8%). Những thách thức chính: số lượng công ty khởi nghiệp khí hậu hạn chế, thiếu hụt các nhà đầu tư, và khó khăn với nguồn vốn giai đoạn cuối.
Minh Tuấn