Hai đơn vị khởi động dự án nâng cấp hệ thống từ SAP ECC lên SAP S/4HANA, nền tảng ứng dụng công nghệ AI, học máy… cho tổ chức đa ngành.
Trong đó, SAP ECC là nền tảng kết hợp các chức năng kinh doanh chính của một tổ chức vào một nơi, do SAP – công ty phần mềm đa quốc gia của Đức phát triển. Nền tảng cung cấp tổng quan về các quy trình kinh doanh cốt lõi của một tổ chức, từ tài chính đến nguồn nhân lực và được sử dụng bởi nhiều phòng ban khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin và tài chính.
SAP S/4HANA là giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp toàn diện được thiết kế trên nền tảng công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine learning) và phân tích chuyên sâu, dành riêng cho các doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa ngành.
Imexpharm đã triển khai dự án SAP ERP (phiên bản ECC) hoàn chỉnh từ năm 2013. Theo đó, sau hơn 10 năm, công ty hướng tới dự án chuyển đổi chiến lược, nâng cấp lên SAP S/4HANA nhằm nâng cao năng suất, chuẩn bị sẵn sàng với các mục tiêu tăng trưởng mới tại Việt Nam và trong khu vực.
Đại diện Imexpharm chia sẻ, dự án lần này sẽ hỗ trợ đơn vị đạt mục tiêu nâng cấp hệ thống giải pháp mới SAP S/4HANA với những thay đổi, cải tiến quan trọng trên khía cạnh bảo mật dữ liệu, khả năng mở rộng linh hoạt và giao diện thân thiện với người dùng. So với hệ thống cũ, nền tảng này sử dụng cơ sở dữ liệu trong bộ nhớ, giúp tăng tốc độ xử lý giao dịch và truy vấn dữ liệu lên hàng nghìn lần, giúp giảm thiểu chi phí IT.
Theo Deloitte Việt Nam – đơn vị tư vấn triển khai dự án, phạm vi dự án nâng cấp SAP từ ECC lên S/4HANA tập trung cải tiến về mặt kỹ thuật, hạ tầng phần cứng. Trong quá trình này, các chuyên gia của đơn vị sẽ đánh giá, phân tích và tư vấn thay thế, lập trình lại một số chương trình, tăng tính hiệu quả, minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Danh mục các điểm cần cập nhật trong SAP ECC, các chức năng thay thế sẽ được thống nhất trong giai đoạn thiết kế. Trong quá trình triển khai, nâng cấp hệ thống các yêu cầu, Deloitte sẽ cập nhật quy trình, dữ liệu, tài liệu của dự án, tuân thủ yêu cầu của GxP.
Ngày 3/7, Imexpharm và Deloitte cũng công bố kế hoạch triển khai áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và phân hệ bảo trì nhà máy.
Đơn vị sẽ triển khai chiến lược áp dụng IFRS trên nền tảng hệ thống giải pháp mới từ SAP S/4HANA. Đây là một trong những thế mạnh của Deloitte Việt Nam. Các chuyên gia có kinh nghiệm đồng hành cùng đối tác tại đây sẽ giúp Imexpharm tiếp cận gần hơn ngôn ngữ báo cáo tài chính quốc tế qua việc phân tích khác biệt giữa Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế; đánh giá sự sẵn sàng hệ thống, dữ liệu và quy trình trong áp dụng IFRS; xây dựng sổ tay kế toán theo IFRS…
Tại sự kiện, hai bên cũng công bố triển khai phân hệ bảo trì nhà máy (Plant Maintenance), từ đó, nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị ở nhà máy, giảm thiểu chi phí bảo trì, bảo dưỡng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn An Duy – Phó tổng giám đốc khối Tài chính Imexpharm cho biết, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về chất lượng EU-GMP và sở hữu chuỗi nhà máy EU-GMP lớn nhất Việt Nam, công ty đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ và vươn ra thị trường quốc tế.
Trong đó, đơn vị đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, phục vụ tốt hơn và mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng và đối tác.
“Tôi tin với kinh nghiệm triển khai của Deloitte cùng năng lực, chuyên môn sâu của đội ngũ công nghệ thông tin Imexpharm, dự án sẽ triển khai thành công”, ông nói thêm.
Ông Nguyễn An Duy – Phó tổng giám đốc khối Tài chính Imexpharm phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Imexpharm
Ông Pankaj Rathi – Phó tổng giám đốc, phụ trách Dịch vụ tư vấn công nghệ và chuyển đổi công nghệ thông tin Deloitte Việt Nam cũng khẳng định, với thời gian 6 tháng cho hạng mục nâng cấp và triển khai áp dụng IFRS, Imexpharm có thể triển khai các tính năng cải tiến trên hệ thống mới, đảm bảo việc tuân thủ IFRS, từ đó, mang đến thành công cho dự án.
Năm 2023, tổng doanh thu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm tăng 26% so với năm trước, đạt mức 2.113 tỷ đồng. Kết quả này phản ánh một năm tăng trưởng kỷ lục đối với đơn vị và cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường là 8%. EBITDA tăng 31% và kết thúc năm ở mức 466 tỷ đồng, vượt đáng kể so với kế hoạch của công ty. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EBITDA của Imexpharm cũng đạt mức là 17,2%.
Hiện, theo IQVIA, ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR 6% – 8% trong giai đoạn 2023-2028. Trên cơ sở này, Imexpharm cam kết đạt mức tăng trưởng từ hai con số, đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 24%. Trong đó, công ty dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ trên kênh bán hàng ETC đến 49% và EBITDA tăng lên 18%.
Ngoài ra, bên cạnh thị trường châu Âu, Imexpharm đang nghiên cứu khả năng phân phối sản phẩm sang các nước Đông Nam Á, đồng thời, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặc biệt là thuốc biệt dược điều trị các bệnh không lây nhiễm và mãn tính.
Imexpharm sẽ sớm được triển khai các dự án chuyển đổi số khác như hệ thống Quản lý chất lượng điện tử (eQMS) và Hồ sơ lô điện tử (EBR – Electronic Batch Record). Số hóa trong quản lý chất lượng sẽ giúp cải thiện hiệu quả bằng cách tự động hóa các tác vụ thủ công và giảm thiểu lỗi của con người. Chiến lược này cũng giúp công ty cải thiện hiệu quả quản lý chất lượng bằng cách cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về quy trình chất lượng của Imexpharm.