Quyển sách “Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học” gồm 8 chương, nêu ra những vấn đề cơ bản nhất nhưng vô cùng quan trọng về tiền bạc trong thời đại ngày nay như kế hoạch chi tiêu, cách dùng smartphone để quản lý tiền, tiết kiệm, đầu tư, vay tiền khôn ngoan, khởi nghiệp và cách dự phòng cho những lúc khó khăn.
Ba điều kiện cơ bản nhất để một người bất kỳ sống lành mạnh và hạnh phúc trong xã hội ngày nay là sức khỏe, thời gian và tiền bạc. Trớ trêu thay, thường khi còn trẻ chúng ta dư sức khỏe và thời gian, nhưng thiếu tiền. Đến tuổi trung niên chúng ta đã tích lũy đủ tiền và vẫn còn sức khỏe, nhưng lại thiếu thời gian vì phải tập trung cho việc kiếm tiền. Đến tuổi già, thường thì chúng ta có đủ tiền, thừa thời gian nhưng lại không còn sức khỏe. Vậy làm thế nào để có cả ba điều kiện này cùng lúc ngay từ khi còn trẻ? Làm chủ tiền bạc từ khi còn đi học là một cuốn cẩm nang thực hành dành cho các bạn học sinh cấp 3 và sinh viên, nhằm trả lời câu hỏi này.
Người ta thường cho rằng có càng nhiều tiền thì càng tốt, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Bạn có thể thấy nhiều người giàu có, hoặc có thu nhập rất cao nhưng có một cuộc sống bất hạnh và vẫn cảm thấy thiếu thốn tiền bạc, ngược lại, cũng có những người tuy không giàu nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống thoải mái, không hề túng thiếu. Đó là nhờ làm chủ tiền bạc.
Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3 hoặc sinh viên, nếu bạn biết cách làm chủ tiền bạc, thì khi trưởng thành bạn càng có nhiều lợi thế để tiến đến mục tiêu tự do tài chính. Để trang bị cho các bạn kỹ năng này, nội dung sách tập trung vào các kiến thức đơn giản mà hiệu quả, cuối mỗi chương đều có bài thực hành để các bạn có thể áp dụng ngay và tự cảm nhận lợi ích thực tế mà mình có được. Chúc các bạn làm chủ được tiền bạc và có một cuộc sống đủ đầy.
Vũ Minh Tú là chuyên gia tài chính với hơn 25 năm kinh nghiệm trong vai trò chuyên gia phân tích, giám đốc nghiệp vụ, ban điều hành ở các tổ chức tài chính và hơn 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn về tài chính. Hiện anh đang là Giám đốc khối Thẩm định Tín dụng Ngân hàng Bảo Việt.
Ba ác mộng thường trực của các bạn trẻ
Ác mộng đầu tiên là việc luôn thiếu hụt tiền bạc. Dù đã dự kiến số tiền đã tiêu xài trong một tháng, nhưng trước các cám dỗ của thời đại, như các chương trình khuyến mãi trên ứng dụng mua sắm online, các thuật toán trí tuệ nhân tạo để kích thích mua sắm, tác động của bạn bè, mạng xã hội… các bạn sẽ luôn chi tiêu nhiều hơn dự kiến, nên trước ngày cuối tháng thì đã cạn tiền, và hầu như luôn trong tình trạng túng thiếu.
Tiếp theo là việc lâm vào tình cảnh nợ nần với sự dễ dãi trong việc cấp thẻ tín dụng, cho vay trực tuyến và kích thích mua trước trả sau (BNPL – buy now pay later, phong trào của các công ty tài chính thúc đẩy giới trẻ mua sắm và đi vay nhiều hơn)…các bạn trẻ bắt đầu chi tiêu quá mức bằng thẻ tín dụng hoặc các hình thức vay qua ví điện tử, qua các ứng dụng mua sắm online. Cũng như trong dân gian có câu “Lãi mẹ đẻ lãi con”, các khoản cho vay tiêu dùng này có lãi suất rất cao, mà thu nhập hoặc tiền trợ cấp của gia đình cho bạn không đủ để trả lãi, và các ứng dụng này lại cho phép bạn vay nhiều hơn nữa để có tiền trả lãi, cho đến khi số tiền quá lớn, và nhiều hậu quả nặng nề xảy ra.
Cơn ác mộng thứ ba là làm việc quần quật mà vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra. Rất nhiều bạn trẻ, ngay từ khi còn đi học, đã làm thêm ngoài giờ với mức lương ổn định. Khi đã đi làm, nhiều bạn cũng nỗ lực làm việc với mục tiêu mua nhà, mua xe hoặc dành dụm cho việc học nâng cao, đi du lịch khắp nơi,… Nhưng sau nhiều năm làm việc quần quật, các bạn vẫn không đạt được mục tiêu lớn của mình.”
Lập kế hoạch chi tiêu gồm các bước như sau:
- Tính toán thu nhập
- Định mức tiết kiệm
- Liệt kê chi phí hàng tháng
- Lập kế hoạch: Thu nhập = Tiết kiệm + Chi phí
- Theo dõi thực hiện
Thực hành, thực hành và thực hành là bí quyết để có được kỹ năng làm chủ tiền bạc.
Bạn không thể quản lý những điều bạn không đo lường được, nên hãy lập kế hoạch để đo lường và quản lý chi tiêu.
Với việc sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ ATM và thẻ tín dụng, bạn không cần theo dõi, ghi chép các tài khoản chi tiêu của mình một cách tỉ mỉ như trước đây nữa, mà chỉ cần đọc sao kê tài khoản ngân hàng để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chi tiêu của mình.
Các khoản tiền bạn đã chuyển ra khỏi ngân hàng, với thông tin về số tiền đã chuyển đi, ghi chú thông tin về lý do chuyển tiền. Thường thì đây chính là các khoản chi phí của bạn trong tháng, và thông tin lý do chuyển tiền do bạn tự nhập vào khi giao dịch trên app ngân hàng. Bạn nên nhập lý do theo đúng một quy tắc chung do bạn tạo ra. Tốt nhất gồm 3 thông tin cơ bản là tên bạn, người nhận và lý do chuyển tiền. Thông tin về tên bạn giúp người nhận biết rõ số tiền này đến từ ai và không bị nhầm lẫn, thông tin về người nhận giúp bạn theo dõi chi phí, và thông tin về lý do giúp bạn phân loại chi phí.
Ví dụ, một khoản chuyển tiền 3 triệu đồng có nội dung chuyển khoản: “My Tam phong 32. Chuyen tien chu_Tu. Tien thue nha thang 3” sẽ thể hiện rõ ràng là bạn đã trả 3 triệu cho chú Tư, chủ nhà trọ để trả tiền thuê nhà tháng 3.
Luôn luôn nhập thông tin một cách nhất quán như vậy làm cho việc quản lý chi tiêu của bạn thuận tiện và chính xác hơn.
Để tự do chi tiêu, bạn cần phải phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để có cách hành xử khác nhau. Định nghĩa nhu cầu là những gì cần thiết để duy trì một cuộc sống lành mạnh, ví dụ như ăn uống, quần áo, chỗ ở, giáo dục, y tế,.. và phải đảm bảo, không giảm mua sắm mà giảm chi phí bằng các cách sắp xếp cụ thể. Định nghĩa mong muốn là làm cho cuộc sống thêm thú vị, thoải mái, tiện nghi hơn, ví dụ như thiết bị thông minh, thời trang, du lịch, giải trí, chơi game,v.v và có thể giảm mua sắm, trì hoãn mua sắm mà vẫn duy trì sự thoải mái.
Để phân biệt đâu là nhu cầu và mong muốn đối với bản thân mình, hãy xem những món hàng vừa vượt quá thu nhập hay số tiền mình có, vừa lại chưa có nhu cầu sử dụng thường xuyên từ trước đến nay, thì đó hầu hết là mong muốn. Ngược lại, những món hàng hay dịch vụ mà trong khả năng chi trả của bạn, và bạn đã dùng thường xuyên từ lâu, sẽ là nhu cầu, cho dù đó là khoản mục ăn ở, đi lại, hay học hành, giải trí… Theo tình hình thu nhập và nhu cầu thường xuyên của mình, bạn cũng có thể điều chỉnh phân loại của nhiều món hàng, từ nhu cầu thành mong muốn khi giảm thu nhập, hoặc từ mong muốn thành nhu cầu khi bạn tăng thu nhập.
Gợi ý một vài cách cách tiết kiệm cho bạn trẻ:
– Kiểm soát chi phí hàng tháng theo đúng ngân sách.
– Dùng những gì bạn đang có, tránh bị cuốn hút suy nghĩ vào các xu hướng hay món hàng theo phong trào.
– Mua sắm hợp lý hơn, chia sẻ hoặc mua chung với bạn bè các mặt hàng ít sử dụng.
– Sử dụng phương tiện đi lại công cộng với chi phí thấp.
– Giảm hóa đơn điện nước bằng cách tiết kiệm năng lượng và nước.
– Tìm kiếm các phòng trọ với giá cả phải chăng, chia sẻ phòng với bạn bè.
– Tận dụng các nguồn tài nguyên học tập miễn phí như thư viện, tài liệu trực tuyến, và các khóa học mở.
– Chuyển sang gói cước điện thoại và internet giá rẻ hoặc chỉ sử dụng wifi miễn phí.
– Tránh áp lực bạn bè: Học cách từ chối những lời mời không cần thiết từ bạn bè để tiết kiệm tiền cho những mục tiêu quan trọng hơn.
Minh Tuấn