Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau phải quyết tâm, phấn đấu hoàn thành khoảng 1.200 km cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo động lực mạnh mẽ cho miền Tây phát triển.
Cao tốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL
Tiếp tục chuyến công tác tại ĐBSCL, ngày 13.7, , đoạn qua địa bàn TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương ĐBSCL.
Tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình thi công dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại nút giao Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, thuộc xã Thạnh Tiến, H.Vĩnh Thạnh. Sau đó, Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục kiểm tra dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại nút giao QL 61C, thuộc xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang.
Sau khi nghe đại diện các nhà thầu trình bày các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, theo quy hoạch, ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc gồm 3 tuyến Đông – Tây và 3 tuyến Bắc – Nam với khoảng 1.200 km; trong đó tuyến đường Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cao tốc trục Đông – Tây kết nối với cao tốc Bắc – Nam.
Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương đã tập trung khảo sát hướng tuyến xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng; cân đối nguồn vốn cho dự án cao tốc này trong điều kiện khó khăn sau đại dịch Covid-19. Nguyên vật liệu thi công thông thường (cát, đá, sỏi) gặp nhiều khó khăn nhưng, bằng sự cố gắng của các bên, vấn đề đã từng bước được giải quyết.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, phải phấn đấu, quyết tâm hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại, để ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch. Theo Thủ tướng, cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay, sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL. Hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương phải đồng hành, sát cánh cùng Trung ương với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.