Ngày 11/7, Hội thảo “Chính quyền số và an toàn thông tin” được Khu Công viên phần mềm Quang Trung-QTSC (TP Hồ Chí Minh) phối hợp Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, Liên minh Chuyển đổi số Thành phố, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Thành phố tổ chức.
Theo thống kê của Trung tâm viễn thông QTSC, trong nửa đầu năm 2024, đã có hơn 5.000 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Các hình thức tấn công phổ biến hiện nay là tấn công có chủ đích vào các cơ sở trọng yếu như tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn… hướng vào những dữ liệu quan trọng và phương thức tấn công ngày càng tinh vi.
Tọa đàm tại hội thảo “Chính quyền số và an toàn thông tin”
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2024 đến nay, gần 400 website của các cơ quan và tổ chức giáo dục bị tin tặc tấn công, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ… Các nhóm tin tặc còn tấn công nhắm vào dữ liệu người dùng thông qua tin nhắn, email giả mạo, khai thác lỗ hổng phần mềm trên thiết bị di động, gây ra rủi ro về mất mát dữ liệu mà còn có thể phát tán mã độc và các nội dung xấu.
Tham luận của các diễn giả, chuyên gia tại hội thảo cho biết, chính quyền số mang lại nhiều lợi ích, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Bên cạnh những lợi ích mang lại, quá trình triển khai chính quyền số vẫn còn nhiều thách thức đan xen, đặc biệt là vấn đề an ninh thông tin. Việc bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu của chính quyền đòi hỏi phải trang bị các biện pháp bảo mật và an ninh mạng chuyên sâu, hiện đại. Tập thể và cá nhân cần có giải pháp nâng cao khả năng dự phòng sao lưu dữ liệu, xây dựng hạ tầng thông tin để kịp thời phát hiện, ứng phó trước các cuộc tấn công mạng.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Liên minh chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh cho biết: Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số là cấp thiết, nhằm bảo vệ dữ liệu quan trọng của cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân khỏi các mối đe dọa khi hoạt động trên không gian số. Liên minh đã liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số nhằm tạo ra sức mạnh, đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần vào sự phát triển của chính quyền số.
Các chuyên gia, diễn giả tham gia hội thảo.
Bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó giám đốc Khu Công viên phần mềm Quang Trung nhìn nhận: Thúc đẩy sự phát triển của chính phủ điện tử hướng đến chính quyền số như một yêu cầu cần thiết và tất yếu. Việc bảo đảm an toàn thông tin không chỉ cho chính quyền số mà còn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành một phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Hội thảo góp phần thúc đẩy, hoàn thiện và nâng cao tính an toàn cho hệ thống chính quyền số thông qua cung cấp những giải pháp công nghệ trong chính quyền số, cũng như kinh nghiệm tham gia thực chiến trong các hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin từ các chuyên gia đầu ngành.
Minh Tuấn