Chiều ngày 23/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ năm 2024 đã thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp logistics và chuyên gia quốc tế và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Diễn đàn Logistics Châu Âu – Châu Mỹ 2024: “Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và các thay đổi của ngành Logistics để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU”. Sự kiện là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật diễn biến thị trường, tìm kiếm giải pháp, cập nhật chính sách mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Khung cảnh Diễn đàn Logistics Châu Âu – Châu Mỹ 2024: “Nắm bắt cơ hội từ EVFTA và các thay đổi của ngành Logistics để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU”
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội, logistics không chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ xuất khẩu, mà còn là chìa khóa quan trọng để kết nối Việt Nam với các thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Âu và châu Mỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
“Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đã đạt được những thành quả ấn tượng, với tổng kim ngạch lên tới 45 tỷ USD, tăng trưởng gần 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực này đạt trên 34 tỷ USD, tăng 17,4%, và nhập khẩu đạt gần 11 tỷ USD, tăng 11,0%. Các nhóm hàng như nông sản, thủy sản, cùng với các mặt hàng công nghiệp như dệt may, giày dép, đã đóng góp vào sự tăng trưởng này. Xuất khẩu hàng hóa cho thấy sự phục hồi mạnh, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế”, bà Thảo Hiền chia sẻ.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam vào EU đang hồi phục mạnh mẽ, chúng ta không thể phủ nhận những thách thức mà ngành logistics phải đối mặt. Chi phí vận tải cao, thời gian giao hàng kéo dài, cùng với những quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, an toàn và bảo vệ môi trường từ EU, là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sự ra đời của Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) và các quy định mới về phát thải carbon đang gây áp lực lên hoạt động logistics, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, bà Thảo Hiền cho biết thêm.
Ông Chandler So, giám đốc điều hành GEODIS Việt Nam đã có bài trình bày cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình logistics hiện tại, nêu bật các thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt cùng với cơ hội phát triển trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Đồng thời, Ông cũng nhấn mạnh việc đầu tư vào công nghệ là yếu tố quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả và giảm chi phí vận tải. Đại diện Cảng Rotterdam, với vai trò là một trong những cảng biển lớn nhất châu Âu, đã chia sẻ các xu hướng và dự báo về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào EU, khẳng định lưu lượng hàng hóa đã tăng đáng kể nhờ EVFTA, đồng thời giúp tối ưu hóa chi phí vận tải và giảm thời gian vận chuyển thông qua các tuyến đường trực tiếp.
Trong phiên thảo luận, chi phí vận tải là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Những yếu tố như giá dầu, biến động địa chính trị và chính sách thương mại của châu Âu đã tác động lớn đến chi phí logistics, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, từ việc ứng dụng công nghệ hiện đại đến hợp tác với các đối tác quốc tế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận tải.
Diễn đàn cũng nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Cảng Gothenburg (Thụy Điển). Qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU), hai cảng đã cam kết tăng cường kết nối vận tải trực tiếp giữa Việt Nam và Bắc Âu. Hai bên thúc đẩy hợp tác để cùng xúc tiến thị trường, trao đổi kinh nghiệm trong khai thác cảng đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và phát triển nguồn nhân lực cho ngành khai thác cảng, dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng.
Năm nay, sự kiện có sự tham dự của đoàn doanh nghiệp Slovenia, đại diện từ cảng Koper đã có cung cấp thông tin về vai trò quan trọng của cảng này trong việc kết nối với các thị trường Trung và Đông Âu. Tại sự kiện, ông Borut ŠEMRL, Giám đốc Marketing cảng Koper đã chia sẻ chi tiết về cơ sở hạ tầng và dịch vụ của cảng Koper, nhấn mạnh những lợi thế chiến lược mà cảng mang lại cho doanh nghiệp logistics Việt Nam. Ông cũng đã trình bày các tiềm năng hợp tác, bao gồm việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận tải và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam tại châu Âu. Sự kết nối này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp của cả hai bên.
Một trong những chủ đề quan trọng tại diễn đàn là logistics xanh. Đại diện từ EuroCham và Maersk Việt Nam đã trình bày về các chính sách mới của EU nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về giảm phát thải carbon khi xuất khẩu sang EU. Các chuyên gia đã đề xuất các chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với những yêu cầu mới, đồng thời tận dụng cơ hội để nâng cao tính bền vững trong logistics.
Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ 2024 đã thành công trong việc mở ra các cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế. Các bên cũng đã cùng nhau thảo luận về những xu hướng và thách thức trong ngành logistics, đặc biệt là sự chuyển mình mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững thông qua logistics xanh. Những chia sẻ từ các diễn giả đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về các chính sách của EU, cũng như những chiến lược và sáng kiến mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện để thích ứng với xu thế toàn cầu.
Thanh Thảo